Skip to content

Các tỉnh Tây Nguyên kết nối giao thương với các doanh nghiệp Hàn Quốc

Chiều ngày 1/8, tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục diễn ra Hội nghị giao thương kết nối xuất khẩu hàng hoá giữa các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2024.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng và Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc, phối hợp cùng Sở Công Thương các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum tổ chức Chương trình giao thương kết nối liên kết xuất khẩu hàng hóa giữa 29 doanh nghiệp Hàn Quốc và 73 doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu vực Tây Nguyên.

Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
Ông Bùi Xuân Lịch (thứ 2 từ trái qua), Trưởng đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại tại Khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Bộ Công Thương tham dự hội nghị. (Ảnh: Lê Sơn)

Ông Bùi Xuân Lịch, Trưởng đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại tại Khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Bộ Công Thương) cho biết, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch song phương năm 2023 đạt 76 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 32 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, tăng 10,9%, chiếm 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng, Hàn Quốc hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam nói chung và của các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói riêng.

Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đồng hành cùng các địa phương khu vực Tây Nguyên đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương sang thị trường Hàn Quốc nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nội địa và thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Qua đó, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của Vùng cả ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Ông Lịch cho rằng, thông qua hội nghị lần này, sẽ giúp doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên nắm bắt thêm thông tin về dự báo tình hình, định hướng nhu cầu thị trường xuất khẩu; cập nhật tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hàn Quốc. Còn doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp cận, đánh giá được năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu khu vực Tây Nguyên cũng như nắm bắt tình hình phát triển logistics tại các địa phương. Từ đó giúp thị trường xuất khẩu mở rộng và có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành, góp phần đưa các sản phẩm thế mạnh của khu vực Tây Nguyên nói riêng và của Việt Nam nói chung đi xa hơn, bền vững hơn.

Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
Hội nghị là dịp để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác giao thương. (Ảnh: Lê Sơn)

Tiến sĩ Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc chia sẻ, đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau tăng cường giao lưu, hợp tác, kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư và mở rộng các tour tuyến du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc và còn là dịp để các doanh nghiệp Hàn Quốc khám phá tiềm năng, cơ hội đầu tư tại khu vực Tây Nguyên. Chúng tôi tin tưởng rằng, thông qua các phiên giao thương, trao đổi trực tiếp, quý vị sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, rất nhiều sản phẩm đặc trưng của Vùng Tây Nguyên đã được xuất khẩu đi thị trường Hàn Quốc như hạt macca, các loại trái cây sấy… kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk với Hàn Quốc năm 2023 đạt 36,5 triệu USD, nhập khẩu gần 247 nghìn USD. Trong đó, xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm nông sản như: Cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su; nhập khẩu chủ yếu là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác,…

Với tiềm năng, thế mạnh của hai bên, chúng ta còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực, trong đó, có kết nối giao thương trong lĩnh vực hàng nông sản, thực phẩm cần được tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh.

Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
Các doanh nghiệp Hàn Quốc. (Ảnh: Lê Sơn)
Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
Các doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Vùng Tây Nguyên ký kết biên bản ghi nhớ. (Ảnh: Lê Sơn)

Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông thì cho rằng, hiện nay, sản phẩm của Đắk Nông đang dần được mở rộng tiêu thụ tại thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước và đang trực tiếp và gián tiếp xuất khẩu vào thị trường một số nước như: Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Nhật Bản…

Đối với thị trường Hàn Quốc, là một trong 10 đối tác nhập khẩu cà phê lớn từ Việt Nam, là thị trường có nhu cầu nhập khẩu rau quả lớn (mặt hàng có lợi thế của các tỉnh Tây Nguyên), nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, Hàn Quốc là thị trường khó tính, mức độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cao và nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt đối với các sản phẩm rau quả (như sản phẩm đồng bộ về chất lượng, kích cỡ, màu sắc; thương hiệu; vệ sinh an toàn thực phẩm; quy trình chế biến, chế biến sâu; …).

Hiện tại một số doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông cũng đang kết nối, tiếp cận một số đối tác doanh nghiệp Hàn Quốc để hợp tác sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm trái cây sấy, socola, cà phê bột, tinh dầu mắc ca và cải thảo (chế biến kim chi).

Kết thúc Hội nghị giao thương kết nối xuất khẩu hàng hoá giữa các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2024 tại tỉnh Lâm Đồng đã có 42 biên bản ghi nhớ đã được ký giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp các tỉnh Vùng Tây Nguyên.

Lê Sơn