Các địa phương có những tiệm cận khác nhau để “khai thác tiềm năng” của kiều bào nhằm triển khai hợp tác giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với địa phương.
Những năm qua, Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) tích cực thúc đẩy hợp tác các địa phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực, cụ thể như: xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tuyển dụng lao động; tăng cường kết nối giao thương, xuất nhập khẩu hai chiều… TS. Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội VKBIA, trả lời phỏng vấn về việc tăng cường trao đổi, kết nối giao thương giữa kiều bào với các địa phương của Việt Nam.
TS. Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc.
|
Phóng viên:: Thưa ông, nhìn từ câu chuyện hợp tác của Hiệp hội VKBIA với các địa phương tại Việt Nam, ông có nhận định như thế nào về việc đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối kiều bào với các địa phương?
TS. Trần Hải Linh: Đối với chúng tôi, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Nhà nước và các chính sách hiện có, tôi nghĩ rằng cần thiết có sự chủ động hơn nữa của mỗi một địa bàn hay địa phương. Đặc biệt, trong thời gian qua, có một số địa phương tại Việt Nam đã chủ động liên hệ với chúng tôi khi rằng biết VKBIA đang kết nối và hoạt động rất tốt giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tôi thấy đó là sự chủ động, là sự thay đổi tất yếu và cần thiết. Trước đây, các lãnh đạo địa phương không chủ động trực tiếp liên hệ mà chỉ liên hệ bằng cách thông qua các đơn vị khác nhau để đề nghị hỗ trợ khi cần thiết. Có thể nói rằng đã có những đổi mới trong thời gian vừa qua và các cơ quan chức năng và cả các địa phương của Việt Nam ta đã có tiệm cận khác nhau để “khai thác tiềm năng” của kiều bào nhằm tăng cường phát triển, triển khai hợp tác giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với địa phương, và cả hợp tác địa phương Việt Nam với địa phương Hàn Quốc. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ sẵn sàng thực hiện những công việc đó bằng 200% khả năng, năng lực của mình để hỗ trợ. Trong những năm vừa qua, chúng tôi thực hiện hỗ trợ rất nhiều địa phương Việt Nam kết nối tới Hàn Quốc.
Đoàn công tác Hiệp hội VKBIA chụp ảnh với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
|
Chúng tôi đã giới thiệu những nhà đầu tư tiềm năng, nhà đầu tư chiến lược hiểu rõ hơn về các địa phương đó. Hiện nay, chúng ta không thể đưa ra format cũ là chỉ đưa những gì chúng ta có, mà phải hiểu rằng làm sao chúng ta thu hút được nhà đầu tư hoặc những nhà đầu tư chiến lược bằng cách thấu hiểu hơn cái của họ cần là gì. Tôi thấy rõ ràng trong thời gian qua, các địa phương của Việt Nam đã có sự thay đổi rất rõ rệt trong những vấn đề đó, chủ động hơn, mạnh mẽ hơn. Chúng tôi cũng xin khẳng định lại là chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện công việc hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì buổi làm việc với VKBIA. Ảnh: baolamdong.vn
|
Phóng viên: Trong những năm qua, Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc có khá nhiều hoạt động kết nối tại các địa phương, như: Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, Cần Thơ, Kon Tum, Quảng Trị, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu…. Vậy cụ thể hơn thì VKBIA đã có những dự án đầu tư ở thành phố Hải Phòng trong thời gian qua và ý định sắp tới như thế nào?
TS. Trần Hải Linh: Trong thời gian qua, tại Hải Phòng, từ sự tham khảo của qua những lần trao đổi của chúng tôi với đối tác là lãnh đạo LG tại Hàn Quốc, đồng thời cũng trao đổi với địa phương, sau đó sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc và đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 6/2023, thì tập đoàn LG đã quyết định tăng cường đầu tư thêm 1,3 tỷ đô la Mỹ mở rộng quy mô nhà máy sản xuất đặt tại Hải Phòng. Tại Hải Phòng, chúng tôi cũng còn quan tâm đến một số dự án khác. Ví dụ như: đầu tư liên quan đến cơ sở hạ tầng, cảng biển và hệ thống logistic.
Trong đó, chúng tôi cũng mong muốn, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp xanh. Hiện tại, chúng tôi cũng đang tìm hiểu vấn đề đầu tư tại Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh về lĩnh vực công nghiệp xanh, kinh tế xanh. Bởi công nghiệp xanh là một trong những xu thế mới tất yếu và Việt Nam chúng ta phải đảm bảo được việc phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như Thủ tướng Chính phủ đã nêu. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ đầu tư hoặc hợp tác với Hải Phòng trong những lĩnh vực đó trong thời gian tới.
Phóng viên: Nói về chính sách của Đảng, Nhà nước, năm 2024, kỷ niệm 20 năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị dành cho kiều bào, theo ông, cần làm gì để phát huy hơn nữa tinh thần của Nghị quyết này trong bối cảnh mới hiện nay, nhìn từ địa bàn Hàn Quốc?
TS. Trần Hải Linh: Chúng tôi đã từng tham khảo việc thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, sau đó đến là Nghị quyết 45 và Kết luận 12. Mỗi kết luận đều thể hiện “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Có thể nói, những đặc thù, những khác biệt ở những địa bàn khác nhau sẽ đưa ra những điều kiện khác nhau. Nhưng chúng tôi xin tập trung vào địa bàn cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc. Chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc đến nay là bước sang thời điểm 32 năm. Chúng ta thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” mới được hơn 1 năm. Đây là năm bản lề để cũng nhìn lại những lại khó khăn, thách thức vừa qua. Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc về cơ bản là đối tượng trẻ sang Hàn Quốc chưa lâu. Nhưng bù lại, nguồn lực lao động và nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam tại Hàn Quốc phát triển mạnh trong những năm vừa qua, đóng góp rất lớn cho Việt Nam. Theo thống kê không chính thức, hàng năm nguồn kiều hối từ Hàn Quốc về Việt Nam được hơn 2 tỷ đô la Mỹ, thông thường từ nguồn nhân lực chất lượng cao hoặc từ nguồn lao động đó. Đây là một nguồn đầu tư để phát triển kinh tế xã hội rất lớn, nếu mà chúng ta biết cách và có thể tận dụng được.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tặng lịch cho VKBIA với mong muốn kiều bào hướng về Tổ quốc và phát triển kinh tế xanh – kinh tế biển.
|
Mặc dù vẫn còn một số khó khăn do đa số cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc trước đây chỉ có 3 khối: cô dâu di trú kết hôn, du học sinh và người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Nhưng trong vòng 5 năm qua, đã có thêm những chuyên gia, trí thức và khối doanh nhân kiều bào Việt Nam tại Hàn Quốc. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta biết tận dụng tối đa sức mạnh mềm của kiều bào, thậm chí ngay từ những địa bàn khó khăn hay có điều kiện khác nhau, thì có khó khăn nào chúng ta cũng sẽ vượt qua, để cùng nhau đạt thêm những thành tựu mới. Chúng tôi cũng hy vọng rằng chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ đi sâu hơn vào cộng đồng kiều bào ở nước ngoài. Mặt khác cũng cần phải cần phải chú ý việc tăng cao vị thế của cộng đồng ta ngay tại nước sở tại, phải tăng cường chế tài và chính sách phù hợp với địa bàn. Điều đó sẽ giúp và hỗ trợ Hiệp hội VKBIA chúng tôi thu hút được thêm những doanh nhân, những nhà đầu tư, kể cả những chính trị gia của Hàn Quốc tham gia cùng chúng tôi thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng tốt đẹp.
Chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa, để thực hiện có hiệu quả việc kết nối giữa Việt Nam với Hàn Quốc mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt giữa các địa phương tại Việt Nam với các địa phương của Hàn Quốc cũng sẽ được chúng tôi thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để mang lại hiệu quả thiết thực nhất.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.