Hội nghị kết nối giao thương xuất khẩu hàng hoá khu vực nam trung bộ Việt Nam với doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2024 tại tỉnh Ninh Thuận.

Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024, ngày 24/9, UBND tỉnh phối hợp với Hiệp hội doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa giữa khu vực Nam Trung Bộ với doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Hải Linh, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội VKBIA; các DN Hàn Quốc, DN khu vực Nam Trung Bộ.

Các đồng chí: Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Hải Linh, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội VKBIA và lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư và Du lịch tỉnh chủ trì hội nghị.

Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin một số tiềm năng, thế mạnh của khu vực Nam Trung Bộ và tỉnh Ninh Thuận có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông, kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm trong và ngoài nước, hỗ trợ việc giao thương với các tỉnh, thành phố khác cũng như quốc gia lân cận nhằm phát triển toàn diện nền kinh tế, xã hội.

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Trong đó, Ninh Thuận nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là đường sắt Bắc-Nam, Quốc lộ 1, Quốc lộ 27 đi Tây Nguyên và hiện nay Cảng biển tổng hợp Cà Ná đã được xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế – xã hội. Ninh Thuận hội tụ các vùng sinh thái khí hậu đa dạng đặc trưng của khu vực gồm biển, đồng bằng và miền núi gắn với các tiềm năng, lợi thế trên nhiều lĩnh vực, cùng với thời tiết nắng ấm quanh năm đã tạo cho Ninh Thuận có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù cao như: Nho, táo, măng tây xanh, tỏi, nha đam, thủy sản, muối, rong sụn, cừu, dê,… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 182 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, đây là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường đang được tỉnh tập trung đầu tư, phát triển theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa gắn với hoạt động du lịch; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và định hướng xuất khẩu.

Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia đã tham gia ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với Việt Nam, như: Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), vì vậy hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Hàn Quốc với thuế suất ưu đãi.

Doanh nghiệp Hàn Quốc trao đổi tại hội nghị. 

Đây chính là thời cơ vàng để đẩy mạnh xuất khẩu, đưa những sản phẩm của khu vực Nam Trung Bộ đến với người tiêu dùng Hàn Quốc. Sự hiện diện của các DN Hàn Quốc và DN khu vực Nam Trung Bộ tại hội nghị lần này là cơ hội để các bên tăng cường giao lưu, hợp tác, kết nối cung – cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư; đồng thời, các DN Hàn Quốc có dịp khảo sát, khám phá tiềm năng, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại khu vực Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, cũng như hiểu rõ hơn về chính sách hỗ trợ, các ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam và các địa phương, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy xuất khẩu và phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hải Linh, Chủ tịch VKBIA, nhấn mạnh: Điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất, nhập khẩu có tính bổ sung khá rõ nét, cơ bản hàng hóa thương mại hai nước không cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau. Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là các loại chip, máy móc thiết bị; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may da giày, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải, xăng dầu, dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.

Ông Trần Hải Linh, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội VKBIA phát biểu tại hội nghị. 

Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu hàng dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, giày dép, phụ tùng phương tiện vận tải, xơ, sợi dệt các loại… Có thể thấy rằng, Hàn Quốc và Việt Nam có sự đan xen lợi ích ở mức rất cao, đồng thời chia sẻ nhiều lợi ích chung, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Bên cạnh đó, sự hợp tác về thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Hàn Quốc vẫn còn nhiều “dư địa” để cùng nhau phát triển. Hội nghị lần này, góp phần thúc đẩy việc hợp tác và xuất nhập khẩu giữa Hàn Quốc và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ. Hiệp hội VKBIA sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng DN, doanh nhân hai nước Việt – Hàn để kết nối, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà chúng ta đã và đang gặp phải, nhằm phát triển xúc tiến thương mại và hợp tác Việt – Hàn ngày càng đi sâu vào hiệu quả và thiết thực hơn nữa.

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chứng kiến ký biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa các DN Hàn Quốc với các DN Việt Nam. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến 18 lượt ký biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa các DN Hàn Quốc với các DN Việt Nam; trong đó, Ninh Thuận 15 lượt, Khánh Hoà 1 lượt, Bình Định 2 lượt, chủ yếu sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, như: Nho, táo, hành, nha đam, măng tây xanh…

*Sáng cùng ngày, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Hiệp hội VKBIA tổ chức Chương trình kết nối B2B giữa các DN khu vực Nam Trung Bộ – Việt Nam với các DN Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc tham quan các gian hàng OCOP của tỉnh Ninh Thuận.

Tại chương trình, các DN đã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, tiềm năng xuất khẩu của các địa phương. Đây là một trong những nội dung thuộc đề án “Tổ chức đoàn DN nước ngoài vào Việt Nam giao dịch mua hàng với các địa phương khu vực Nam Trung Bộ”.