(Mặt trận) – Trong những ngày cả thế giới lao đao vì đại dịch, cũng là thời điểm gần đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, tấm lòng của người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn hướng về Tổ quốc bằng nhiều hành động thiết thực. Nghĩa cử ấy càng làm sáng ngời hơn một chân lý: Kiều bào là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam.
Những nghĩa cử xuất phát từ trái tim
Là một Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, với sự năng động, sức sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết, ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) luôn là người truyền cảm hứng khi bày tỏ mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước thông qua phong trào khởi nghiệp, đầu tư và lúc nào cũng sẵn sàng “Tổ quốc gọi, chúng tôi trả lời”.
Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam hỗ trợ các vật dụng cần thiết cho các khu vực cách ly trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia ở châu Á, sau Trung Quốc đang phải chịu nhiều thiệt hại từ dịch bệnh COVID-19. Trên trang facebook cá nhân, Trần Hải Linh liên tục đăng đàn để kêu gọi cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc và cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam cùng bạn bè khắp nơi hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân đồng lòng chung sức tham gia ủng hộ phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Tất cả chung tay vì Việt Nam và Hàn Quốc, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Theo ông Trần Hải Linh, Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc và Hội Chuyên gia – Trí thức Việt Nam và Hàn Quốc (VKEIA) cũng đã phát đi Lời kêu gọi mọi người Việt Nam trong nước cũng như cộng đồng Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Hàn Quốc, đặc biệt các doanh nhân Việt Nam, doanh nhân Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại cả Việt Nam và Hàn Quốc, các chuyên gia trí thức Việt Nam và Hàn Quốc cùng chung tay hỗ trợ thêm cho đồng bào ở các vùng cách ly tại Việt Nam và hỗ trợ cho người dân Việt Nam ở vùng tâm dịch Daegu Gyeongbok và các khu vực khác tại Hàn Quốc.
Ông Phạm Minh Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Anh (thứ hai từ trái sang) trao tặng ủng hộ 1 tỷ đồng phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc đã có nhiều hoạt động trao tặng hàng ngàn chiếc khẩu trang và các vật dụng thiết yếu cho các khu cách ly ở Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh.
Ông Trần Hải Linh tin tưởng rằng, dịch COVID-19 tại Hàn Quốc và Việt Nam sẽ sớm được ngăn chặn để doanh nghiệp, người dân Hàn Quốc và Việt Nam tiếp tục có sự kết nối, hợp tác cùng phát triển, phát huy gắn kết nhân dân hai nước Việt-Hàn để tiếp tục phát triển quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp hơn nữa.
Trong số 374 vị Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khoá IX có nhiều cá nhân tiêu biểu đại diện cho tiếng nói của người Việt Nam ở nước ngoài. Và nhìn từ Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Trong những năm qua, sự đóng góp của 4,5 triệu kiều bào là không thể đo đếm. Không chỉ là nguồn kiều hối gần 17 tỷ USD/ năm (năm 2019) mà quan trọng chính là nguồn trí lực, hỗ trợ, kết nối, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, đầu tư kinh doanh ra nước ngoài.
Từ câu chuyện của Giáo sư Trần Văn Thọ và nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc
Nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc giới thiệu chiếc máy trợ thở của mình trên một chương trình của VTV.
Như câu chuyện của Giáo sư Trần Văn Thọ và nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc vừa bày tỏ tâm nguyện chuyển giao công nghệ để sản xuất 2.000 máy trợ thở cho Việt Nam. Hành động này đã khiến cho người dân Việt Nam hết sức cảm kích, trong bối cảnh Việt Nam đang gồng mình chống dịch Covid 19.
Giáo sư Trần Văn Thọ (ở Tokyo, Nhật Bản) hiện là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Còn nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc là Hội trưởng Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, Giám đốc Công ty Metran, chuyên sản xuất máy trợ thở cho Nhật Bản, Việt Nam và nhiều nước khác.
Năm 1982, ông Phúc phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird (HFO) cho trẻ em sinh non. Trước khi có Hummingbird, 90% trẻ sinh non tại Nhật Bản tử vong; sau khi có chiếc máy này, 99,7% trẻ sinh non được cứu sống. Có thể nói phát minh năm 1982 của người Việt Nam sống tại Nhật Bản – Trần Ngọc Phúc đã tạo ra một bước ngoặt cho ngành y tế thế giới.
Hơn lúc nào hết chúng ta hiểu rằng, chỉ khi đối diện với những khó khăn vất vả, những thử thách do dịch bệnh, thiên tai gây ra thì sự đóng góp nào cũng là điều đáng quý, đáng trân trọng nhất.
Trong bức thư gửi về Mặt trận, ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hoà Séc cho biết, giữa bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp tại châu Âu, cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Séc đã và đang rất tích cực cùng Chính phủ và nhân dân Séc chống chọi với dịch bệnh COVID-19.
Mọi cửa hàng của người Việt nước Cộng hoà Séc đều có cafe, nước uống hoặc đồ ăn miễn phí để dành cho các bác sĩ, dân phòng, cấp cứu và các lực lượng tham gia chống dịch.
Theo ông Nguyễn Duy Nhiên, tất cả bà con và các tổ chức đã tham gia may và tặng 60.000 chiếc khẩu trang tặng cho các bệnh viện, ủy ban, công an và người dân trên toàn Cộng hoà Séc, đồng thời tổ chức quyên góp ủng hộ tiền cho các bệnh viện và các tổ chức tham gia chống dịch bệnh. Những hành động nhân văn và trách nhiệm ấy, đã được Chính phủ và người dân Séc đánh giá cao.
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài tiếp nhận ủng hộ từ Trung ương Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc.
Giữa vô vàn khó khăn, người Việt ở Cộng hoà Séc vẫn hướng về quê hương, thông qua UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Người Việt Nam tại Cộng hoà Séc đã ủng hộ 110 triệu đồng.
Đặc biệt, khi có tâm dịch ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đã thành lập Ban hỗ trợ cộng đồng trong dịch COVID-19 kêu gọi, quyên góp để mua khẩu trang, nước diệt khuẩn, vitamin gửi về hỗ trợ nhân dân ở quê nhà. Chỉ sau một thời gian ngắn phát động, cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã gom góp được 3 chuyến hàng để chuyển về nước; Hội đồng hương Vĩnh Phúc tại Cộng hoà Séc đã phối hợp với Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Cộng hoà Séc quyên góp ủng hộ trang thiết bị y tế cho khu vực Bình Xuyên, Vĩnh Phúc 40.000 khẩu trang y tế, 10.000 găng tay, 137 bộ quần áo chống dịch chuyên dụng cho bác sĩ, 30 máy đo thân nhiệt cùng nước khử trùng, khăn ướt và khăn khử trùng; Gia đình bà Nguyễn Thị Minh Hồng, Việt kiều đang sinh sống tại Frankfurt, Đức đã gửi tặng các thành phố: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh 12 hệ thống thiết lập phòng cách ly áp suất âm của Deconta, Đức; ông Nguyễn Ngọc Mỹ, kiều bào Austrailia, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trao tặng tỉnh Hà Tĩnh 1 tỷ đồng và giao toàn bộ cơ sở vật chất trường dạy nghề do mình làm chủ ở Bà Rịa – Vũng Tàu để làm khu cách ly, ông Nguyễn Ngọc Mỹ còn tiếp tục trao tặng 200 triệu để hỗ trợ công tác chống dịch ở Khu cách ly ĐHQG TPHCM. Ông Phạm Minh Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Anh cũng vừa trao tặng 1 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid 19…
Đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, bà con kiều bào ở bất cứ nơi đâu vẫn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời. Hiểu thế nên trong những ngày gian khó này, tấm lòng của người Việt Nam xa xứ lại càng hướng về quê hương, bằng những hành động thiết thực, chung tay, đồng lòng cùng Tổ quốc đẩy lùi đại dịch.